UX Research (Nghiên cứu trải nghiệm người dùng) là một phần quan trọng của quy trình thiết kế sản phẩm “lấy con người làm trung tâm” và là một phần thiết yếu để tạo ra các giải pháp đáp ứng kỳ vọng của người dùng và mang lại giá trị cho các bên.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào các nguyên tắc cơ bản của UX Research, hướng dẫn toàn bộ quy trình UX Research. Đồng thời chia sẻ thêm các mẹo và phương pháp triển khai UX Research hay nhất đến từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành.
1. UX Research là gì?
UX Research được hiểu là nghiên cứu trải nghiệm người dùng, là quá trình nghiên cứu có hệ thống về trải nghiệm người dùng thông qua phương pháp quan sát (Observation techniques) và phương pháp phản hồi (Feedback methodologies) để từ đó, tìm ra “insight” và “pain point” sâu bên trong tâm trí người dùng (về mong muốn, hành vi, nhu cầu, điểm chạm).
Mục tiêu cuối cùng của UX Research là tìm kiếm được những dữ liệu giá trị giúp đưa ra những ý tưởng, giải pháp gần với insight khách hàng nhất dựa trên thực tế và áp dụng chúng vào quy trình thiết kế.
Theo Sinéad Davis Cochrane – Quản lý UX tại Workday: “UX Research thu thập chi tiết từ người dùng, khách hàng và được tận dụng để giúp đưa ra ý tưởng phù hợp nhất”.
UX Research giúp bạn tạo ra sản phẩm cung cấp trải nghiệm thân thiện cho người dùng, bởi vì thông qua UX Research bạn có thể khám phá chính xác những gì họ thực sự cần. UX Research có thể áp dụng trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thiết kế.
Khi triển khai UX Research, mọi người nên bắt đầu bằng các phương pháp nghiên cứu định tính (Qualitative Research) để xác định động cơ và nhu cầu của người dùng. Sau đó, là sử dụng các phương pháp định lượng (Quantitative Research) để đo lường kết quả trước đó có chuẩn hay không.
Để thực hiện tốt UX Research, bạn cần thực hiện cách tiếp cận có cấu trúc khi thu thập dữ liệu từ người dùng. Điều quan trọng là sử dụng các phương pháp phù hợp với mục đích nghiên cứu của bạn và có khả năng cung cấp cho bạn thông tin chính xác nhất.
Sau đó, bạn có thể phân tích, diễn giải những thông tin đã tìm được để tìm giải pháp thiết kế được những sản phẩm đúng insight của khách hàng hơn.
2. Tại sao UX Research lại quan trọng?
Trong cuốn sách Just Enough Research, Erika Hall – đồng sáng lập của Mule Design Studio giải thích rằng: “Việc triển khai UX Research là một cuộc điều tra có hệ thống được chia thành ba tiến trình: suy nghĩ về một câu hỏi, thu thập các số liệu và đọc hiểu số liệu rút ra kết luận”.
Sinéad Davis Cochrane – Giám đốc UX tại Workday và cựu Nhà nghiên cứu sản phẩm tại Intercom, nói rằng: “UX Research không chỉ là một “bước” trong quá trình phát triển mà là quá trình diễn ra trong suốt vòng đời phát triển sản phẩm”.
NOTE: Lưu ý rằng, một sản phẩm lớn mạnh luôn cần được cải tiến, thay đổi linh hoạt theo thời gian. Và cải tiến ở đâu, thay đổi như thế nào đều cần dựa vào UX Reserach.
Vận dụng tốt các kết quả tìm kiếm từ UX Research là bí quyết giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị lâu dài. Khi người dùng có những trải nghiệm tốt, họ sẽ trung thành với sản phẩm, họ giới thiệu trang web, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng của doanh nghiệp đến bạn bè, người thân và đối tác của họ theo cách truyền cảm hứng nhất.
UX Research hiệu quả đến mức có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay tận dụng các nguồn dữ liệu và thông tin thu thập từ nghiên cứu này để tạo ra các sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế, mong muốn sâu thẳm của người dùng, tạo trải nghiệm người dùng tốt hơn. Đồng thời, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.
NOTE: Không chỉ được ứng dụng trong phát triển sản phẩm công nghệ, UX Research được ứng dụng cho rất nhiều ngành nghề.
NOTE: UX Research nên thực hiện ở từng giai đoạn của quá trình thiết kế, từ phỏng vấn người dùng, nghiên cứu thực địa đến thử nghiệm nguyên mẫu hay giám sát sau khi ra mắt.
3. 6 Phương pháp UX Research
Dù hướng đến một mục tiêu cuối cùng là tìm ra insight và pain point của người dùng nhưng UX Research lại có rất nhiều phương pháp khác nhau và mỗi phương pháp mang đến những kết quả, lợi ích tương đương.
Dưới đây là một số phương pháp nghiên cứu UX phổ biến mà bạn có thể tham khảo và vận dụng.
Phương pháp 1: Generation Research
Generation Research là một phương pháp nghiên cứu giúp chúng ta hiểu sâu sắc về động cơ, thách thức và hành vi của khách hàng mục tiêu (nhóm thế hệ). Thông thường, phương pháp này sẽ được sử dụng ở giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển sản phẩm khi bạn đang tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo và khác biệt với đối thủ để phát triển ý tưởng.
Generation Research liên quan đến việc theo dõi cùng một nhóm người về nhiều vấn đề, hành vi và đặc điểm. Đặt giới hạn của các thế hệ là một bước cần thiết cho phân tích này.
Đó là một quá trình thu thập một loạt các yếu tố bao gồm nhân khẩu học, thái độ, sự kiện lịch sử, văn hóa đại chúng và sự đồng thuận phổ biến giữa các nhà nghiên cứu.
Generation Research ban đầu sẽ giúp đảm bảo rằng bạn hiểu vấn đề một cách chi tiết bằng cách xem xét nguyên nhân, nhu cầu và điểm yếu của mọi người.
Khi thực hiện phương pháp này, bạn cần duy trì một tâm trí mở, một lối tư duy thoáng và tránh những định kiến về bất cứ điều gì, cho bất cứ kết quả nào bạn tìm thấy cũng như đảm bảo rằng định nghĩa bạn có là hợp lý.
Phương pháp 2: Evaluative Research
Evaluative Research là phương pháp được thực hiện từ lúc bắt đầu dự án và sử dụng liên tục, lặp đi lặp lại trong quá trình thiết kế để thử nghiệm mức độ “đạt” và “không đạt” của các ý tưởng, giải pháp thiết kế nhằm tạo ra sản phẩm “cuối cùng”.
Theo Nanganl LeKesia Brown, Nhà nghiên cứu sản phẩm tại Figma, “Với Evaluative Research, chúng tôi đảm bảo các kết quả tìm kiếm luôn được tận dụng triệt để và tài nguyên không bị lãng phí.”
Tuy nhiên, Evaluative Research không dừng lại khi một sản phẩm mới được tung ra. Để có trải nghiệm người dùng tốt nhất, chúng còn được sử dụng sau khi sản phẩm phát hành và cải thiện dựa trên phản hồi của khách hàng.
Theo Mithila Fox, Nhà nghiên cứu UX cấp cao tại Stack Overflow, đánh giá: “Quy trình UX Research bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như kiểm tra khả năng truy cập, kiểm tra nội dung, đánh giá mức độ mong muốn của người dùng v.v.”
Mithila cũng đề cập rằng trong quá trình triển khai UX Research, Evaluative Research cũng có thể được tiến hành trên các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh để hiểu giải pháp nào đang hoạt động tốt trên thị trường hiện tại, hoặc trước khi bạn bắt đầu xây dựng giải pháp của riêng mình.
Mithila cũng giải thích: “Evaluative Research có thể bắt đầu ngay khi bạn hiểu nhu cầu của người dùng. Ngay cả trước khi bạn có mô hình của riêng mình, bạn có thể bắt đầu bằng cách thử nghiệm trên chính sản phẩm của đối thủ cạnh tranh hoặc sản phẩm tương tự. Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ những gì đang hoạt động và không hoạt động từ các sản phẩm khác trên thị trường”.
Phương pháp 3: Quantitative vs Qualitative UX Research
Quantitative Research (Phương pháp nghiên cứu định lượng) và Qualitative Research (phương pháp nghiên cứu định tính) là hai phương pháp nghiên cứu hoàn toàn khác biệt và thường được sử dụng riêng nhưng tốt nhất nên kết hợp chúng với nhau.
Đó là bởi vì các nghiên cứu định tính phải có số liệu định lượng làm nền tảng.
Ví dụ: Bạn thực hiện phỏng vấn người dùng và phát hiện ra người bạn đang phỏng vấn có insight A, tuy nhiên bạn không chắc đó là insight có giá trị hay không. Khi đó bạn cần mở rộng mẫu để xem liệu insight A có lặp lại.
Nghiên cứu định lượng thường sử dụng các cách để nghiên cứu người dùng như: khảo sát, phân tích để thu thập dữ liệu từ chính những câu trả lời của người dùng trong quá trình làm bài kiểm tra giả định từ đó, rút ra câu trả lời.
Ví dụ: Bạn có thể tạo ra một bài khảo sát với các câu hỏi để người dùng trả lời. Chẳng hạn như sản phẩm doanh nghiệp bạn muốn phát triển là về game. Bạn sẽ có hàng loạt các câu hỏi liên quan đến chủ đề này từ thể loại game yêu thích, thời gian chơi bao lâu, kiểu nhân vật yêu thích v.v. để đánh giá người dùng.
Tuy nhiên, dữ liệu từ phương pháp nghiên cứu định lượng không thể cho bạn những insight và pain point sâu của người dùng.
Trương trường hợp này, ta cần triển khai nghiên cứu định tính.
Nghiên cứu định tính là việc chủ yếu tìm hiểu thông tin cá nhân của người dùng, người dùng mục tiêu hoặc người dùng tiềm năng. Vì thu nhỏ phạm vi hơn nên lượng thông tin trả về sẽ không nhiều nhưng sẽ rất chi tiết, tìm hiểu cặn kẽ về người dùng.
Kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính và các phương pháp tiếp cận Attitudinal, Behavioral, bạn sẽ có được cái nhìn tổng thể nhất về một vấn đề trong UI/ UX design mà bạn đang muốn giải đáp.
Phương pháp 4: A/B Testing
A/B Testing là một phương pháp UX Research phổ biến. Khi triển khai phương pháp này, bạn sẽ đưa ra hai phiên bản cho một nhóm người dùng trải nghiệm trong đó, phiên bản gốc là (A) và phiên bản đã cải thiện UX là (B) để nhận về những lời phản hồi của họ với mỗi phiên bản và tìm ra cách cải thiện giúp phiên bản sản phẩm tốt hơn.
Khi thực hiện phương pháp A/B testing, bạn chỉ nên kiểm tra sự khác biệt của một yếu tố để đem lại kết quả thử nghiệm tốt nhất.
Ví dụ:
- Thử nghiệm kích thước nút lớn hoặc nút nhỏ đem lại trải nghiệm tốt hơn
- Thử nghiệm thanh điều hướng trên top hoặc đặt dưới bottom
- Thử nghiệm đặt nút cancel ở bên trái hoặc bên phải
- Thử nghiệm nút “Mua ngay” bằng màu đỏ hoặc màu xanh
Phương pháp 5: Cart Sorting
Cart Sorting là việc sử dụng những tấm thẻ viết các chức năng, các nội dung và yêu cầu người tham gia cuộc nghiên cứu sắp xếp, gộp chúng thành các nhóm. Người tham gia sẽ tự xác định nên có bao nhiêu danh mục, đặt tên cho từng danh mục.
Qua phương pháp nghiên cứu này, các designer và lập trình viên đánh giá nên triển khai kiến trúc thông tin của một trang web/ app như nào là thân thiện với người dùng. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp tạo ra phiên bản phù hợp, gần với suy nghĩ, trải nghiệm của người dùng nhất.
Cart Sorting có thể ứng dụng nghiên cứu cho:
- Xây dựng cấu trúc website/ app
- Quyết định đưa những gì lên trang homepage
- Đặt tên cho các danh mục và điều hướng
Phương pháp 6: Heuristic Evaluation
Khi sản phẩm được phát hành và bạn muốn xác định các “lỗi” người dùng thường gặp phải trong quá trình sử dụng? Vậy thì phương pháp nghiên cứu Heuristic Evaluation chính là câu trả lời bạn tìm kiếm. Phương pháp này, giúp các designer nhanh chóng phát hiện ra “lỗi”, giải quyết và cải thiện, đem đến sự hài lòng và nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
Heuristic Evaluation có một bảng các quy tắc, tiêu chí để kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm. Một trong những nguyên tắc phổ biến nhất là 10 Usability Heuristics của Jakob Nielsen, kết quả của quá trình thử nghiệm sẽ được trình bày bằng một bảng báo cáo với các thông số chi tiết.
4. Quy trình UX Research
Tuỳ thuộc vào phương pháp nghiên cứu sử dụng mà quy trình UX Research sẽ diễn ra khác nhau, nhưng có một số bước quan trọng mà các UX Researcher nhất định phải tuân theo:
Bước 1: Đặt giả thuyết
Nhiều cuộc nghiên cứu UX bắt đầu từ một ý tưởng mà các nhà nghiên cứu muốn xác thực. Ví dụ: “Chúng tôi sẽ giúp khách hàng tìm thấy sản phẩm dễ dàng hơn và tăng chuyển đổi nếu chúng tôi đặt những sản phẩm bán chạy nhất của mình trên trang chủ”.
Bước 2: Lập kế hoạch & chuẩn bị
Kế hoạch nghiên cứu UX sẽ là xác định mục tiêu, xác định phương pháp nghiên cứu chính xác, “địa điểm”nghiên cứu và những thông tin mà cuộc nghiên cứu cần thu thập.
Bước 3: Tiến hành nghiên cứu UX
Nhà nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm hoặc nghiên cứu theo kế hoạch.
Sử dụng các phương pháp nghiên cứu, công cụ để thu thập thông tin có giá trị.
Bước 4: Tổng hợp & phân tích kết quả
Các nhà nghiên cứu phải sắp xếp dữ liệu để tìm ra các mẫu thiết kế theo xu hướng, mong muốn của người dùng và cơ hội để tạo ra sự đột phá. Đôi khi những kết quả trả về cũng cần sự phân tích bằng slide để ra được vấn để và tìm kiếm giải pháp phù hợp
Bước 5: Hành động
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu UX phải sử dụng kết quả của họ để xác định hướng hành động tiếp theo.
5. Lợi ích của UX Research
Chúng ta đã biết UX Research là gì, tại sao cần UX Research, các phương pháp và quy trình UX Research. Bây giờ, hãy cùng khám phá 5 lợi ích mà UX Research đem lại trước, trong và sau khi phát hành sản phẩm công nghệ.
5.1. Đưa ra quyết định sáng suốt
Một trong những lợi ích chính của UX Research trong suốt quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm là nó giúp bạn hiểu hành vi của người dùng và đưa ra quyết định sáng suốt hơn, ý tưởng tốt hơn.
Sinéad Davis Cochrane, UX Manager tại Workday: “UX Research giúp giảm thiểu nguy cơ hình thành ý tưởng lệch lạc hoặc xây dựng những điều đúng sai cách”.
Sian Townsend, cựu Giám đốc Nghiên cứu của Intercom, nói về cách nghiên cứu ban đầu của Intercom tiết lộ rằng: “Khi có một cuộc trò chuyện mới bắt đầu, người dùng thường chú ý đến hiển thị dòng tin nhắn nhiều hơn là hình ảnh người gửi. Nghiên cứu được thực hiện sớm đã giúp nhóm tinh chỉnh thiết kế và ra mắt sản phẩm mới Acquire thành công”.
UX Research bao gồm phương pháp định tính và định lượng, cả hai đều là những công cụ hữu ích với UX Researcher.
Bertrand Berlureau, Nhà thiết kế sản phẩm cao cấp tại iMSA: “Chúng tôi phân tích rất nhiều số liệu để đưa ra quyết định thiết kế. Có nhiều yếu tố trong quá trình quyết định và phản hồi của người dùng (định tính) chỉ là một phần của quyết định. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nhân tố khác tác động đến quyết định như phân tích lưu lượng truy cập, phản hồi chatbot, khảo sát người dùng, thử nghiệm người dùng, v.v. để giúp chúng tôi đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Sự hội tụ của tất cả số liệu, nhu cầu của người dùng và yêu cầu của dự án chi phối các lựa chọn mà chúng tôi định đưa ra”.
Đối với Bertrand, lợi ích của UX Research là tạo ra một sản phẩm tuyệt vời với chi phí thấp hơn (bằng cách tránh các sai lầm). Nhưng hơn thế nữa, UX Research còn cho phép bạn thiết kế trải nghiệm công bằng, dễ tiếp cận với tất cả người dùng.
5.2. Xóa bỏ thành kiến về một quy trình thiết kế UX
Khái niệm và định kiến chỉ cách nhau một đường chỉ, chúng xảy ra “Khi bạn có một cách diễn giải, bạn chấp nhận làm theo và ở các dự án khác bạn cũng thực hiện y như cách diễn giải cũ vì bạn cho nó là hợp lý là đúng nhất, phù hợp nhất”. Điều đó khiến sản phẩm mới của bạn được tạo nên từ rất nhiều thiên kiến vậy thì sự sáng tạo, đổi mới và đột phá nằm ở chỗ nào?
Các nhà tâm lý học xác định mỗi người chúng ta sẽ có hơn 100 thiên kiến nhận thức. Một cách hiệu quả để loại bỏ thiên kiến ra khỏi quá trình thiết kế UX đó là đặt và trả lời những câu hỏi:
- Các nhận định của bạn là gì?
- Một số nhận định bạn đã đặt ra về người dùng khi sử dụng sản phẩm của bạn mà không dựa trên dữ liệu nghiên cứu là gì?
Sinéad cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhận định cần được làm rõ và không ngừng phá bỏ chúng để chứng minh đúng sai.
Một cách khác để loại bỏ thiên kiến khỏi quá trình thiết kế là đặt bản thân vào người dùng. Tức là cố gắng hiểu mong muốn để tạo ra hành vi từ đó áp dụng vào trong thiết kế UX.
Bertrand Berlureau, Nhà thiết kế sản phẩm cao cấp tại iMSA: “Khi bạn bắt đầu một dự án, bạn nên để tâm trí như một trang giấy trắng. Tôi luôn ngạc nhiên trước những dữ liệu thu thập được”.
5.3. Kiểm tra và xác nhận các khái niệm
Một trong những lợi ích lớn của UX Research đó là cho phép bạn kiểm tra và xác nhận sớm các ý tưởng có “khả năng” thành công hay không mà không cần đợi đến ngày ra mắt để thu thập phản hồi.
Bạn có thể thực hiện kiểm tra và xác nhận các khái niệm bằng các phương pháp như trên là generation research, evaluative research, quantitative research, qualitative research, A/B testing…
Nhưng khi nói đến việc thử nghiệm và xác thực các ý tưởng thiết kế, phương pháp cho người dùng trải nghiệm bản thử nghiệm sẽ đem đến nhiều phản hồi trực quan hơn bạn nghĩ.
Xây dựng giải pháp phù hợp là một chu trình lặp đi lặp lại của việc lắng nghe, học hỏi, thực hiện các thay đổi và cải tiến bằng cách hiểu nhu cầu của người dùng và thu thập phản hồi của khách hàng.
5.4. Mang lại giá trị đích thực cho khách hàng
Một lợi ích chính khác của UX Research là nó cho phép các nhà phát triển sản phẩm quản lý rủi ro. Luke Vella, Giám đốc Sản phẩm Cấp cao tại Maze cho biết: “UX Research, đảm bảo rằng chúng tôi đang sử dụng tài nguyên quý giá nhất của mình — thời gian — để nghiên cứu các giải pháp có giá trị cho người dùng”.
Luke Vella, Giám đốc sản phẩm cấp cao, Tăng trưởng tại Maze: “Một trong những rủi ro chính mà chúng tôi cần kiểm soát là ‘rủi ro về khả năng sử dụng’ – liệu người dùng có thể tìm ra cách sử dụng với sản phẩm chúng tôi đã tạo ra hay không. UX Research giúp chúng tôi giảm thiểu rủi ro này, cho phép chúng tôi xây dựng các giải pháp mà khách hàng của chúng tôi thấy là có giá trị và đảm bảo rằng họ biết cách mở khóa giá trị đó”.
5.5. Đưa sản phẩm ra thị trường thành công
UX Research đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà tiếp thị sản phẩm hiểu được nhu cầu của khách hàng và truyền đạt hiệu quả giá trị của sản phẩm đến người dùng.
Naomi Francis, Giám đốc Tiếp thị Sản phẩm Cấp cao tại Maze: “Mục tiêu của chúng tôi về việc thể hiện giá trị của sản phẩm cho thị trường mong muốn của chúng tôi đều dựa trên UX Research. Việc hiểu rõ cách thức và lý do khách hàng cần và sử dụng sản phẩm của chúng tôi sẽ đẩy các đợt ra mắt lên cấp độ mới — bạn có thể chỉ đạo mọi thứ từ thông điệp đến ngôn ngữ và cách tiếp cận nhờ UX Research”.
Naomi Francis, Giám đốc Tiếp thị Sản phẩm Cấp cao tại Maze: “Mọi công ty đều có thể hưởng lợi từ UX Research vì nó có thể củng cố quy trình và đầu ra của mọi bộ phận, đặc biệt là sản phẩm và tiếp thị. Tôi nghĩ trong một thế giới mà đối thủ cạnh tranh tiếp theo của bạn được sinh ra vào ngày hôm qua, nghiên cứu UX sẽ giúp bạn đi trước một bước và mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh không ngờ”.
6. Câu hỏi thường gặp về UX Research
Câu 1: UX Research có được coi là một nghề không?
Có! UX Research là một lĩnh vực đang phát triển và vai trò của nhà nghiên cứu UX đang trở nên nổi bật và được nhiều công ty chú ý tuyển dụng nhiều hơn.
Trong một thị trường có tính cạnh tranh cao, ngày càng có nhiều công ty tìm kiếm các chuyên gia có thể tiến hành nghiên cứu sâu rộng về người dùng để hiểu nhu cầu của người dùng và phát triển các sản phẩm đáp ứng mong đợi của họ.
Câu 2: Vai trò của một nhà nghiên cứu UX là gì?
Vai trò của một nhà nghiên cứu UX là điều tra hành vi của người dùng, gỡ rối mọi khó khăn để giúp nhóm phát triển sản phẩm đưa ra quyết định sáng suốt, tạo ra sản phẩm đem đến lợi ích cho khách hàng nói chung và lợi nhuận cho doanh nghiệp nói riêng.
Các nhà nghiên cứu UX sử dụng các phương pháp định tính và định lượng để hiểu nhu cầu và động cơ của khách hàng. Sau đó, họ phân tích dữ liệu thu thập được để xác định các xu hướng và làm báo cáo cho đội designer, lập trình viên trong suốt quá trình thiết kế và phát triển sản phẩm.
Thông thường, UX Research là một kỹ năng cần thiết của UX Designer. Tuy nhiên, đối với các dự án lớn, cần được phát triển liên tục, UX Research có thể được tách riêng.
Câu 3: Tương lai của UX Reserach là gì?
Với việc công nghệ ngày càng phát triển, người dùng quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm và ra quyết định dựa trên trải nghiệm đó, dẫn tới ngày càng có có nhiều công ty đặt nhu cầu của người dùng lên hàng đầu, vì vậy nhu cầu về UX Research sẽ tiếp tục phát triển. Tìm ra cách mở rộng quy mô UX Research trong các doanh nghiệp sẽ rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển này.
Vai trò của UX Research sẽ mở rộng để trao quyền cho mọi người trong nhóm đều có thể học hỏi. Các xu hướng sẽ định hình tương lai của UX Research là việc sử dụng các công cụ nghiên cứu từ xa, vận dụng AI vào phân tích dữ liệu và sự xuất hiện của các vai trò mới…
Trên đây là toàn bộ chia sẻ về UX Research, các phương pháp nghiên cứu, quy trình UX Research diễn ra như thế nào, lợi ích của UX Research… mong rằng bài viết này sẽ trở thành nguồn thông tin tham khảo hữu ích của bạn trong quá trình nghiên cứu trước khi phát triển sản phẩm, đặt biệt là sản phẩm công nghệ.