Khi cuộc sống ngày càng liên quan nhiều đến môi trường số, các chuyên gia sức khỏe tâm lý ngày càng quan tâm và muốn chia sẻ thêm những cách để chống lại hiện tượng trên.
Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp trước tốc độ truyền tải thông tin không ngừng nghỉ của phương tiện truyền thông kỹ thuật số và thấy mình khó tập trung vào một nhiệm vụ hoặc suy nghĩ duy nhất, thì bạn có thể gặp chứng “não bỏng ngô”.
“Não bỏng ngô là thuật ngữ đề cập đến xu hướng chú ý và tập trung chuyển đổi nhanh từ thứ này sang thứ khác, giống như nổ hạt bỏng ngô”, nhà tâm lý học lâm sàng, Tiến sĩ Daniel Glazer chia sẻ.
“Não bỏng ngô” không phải là mới – thuật ngữ này được nhà nghiên cứu David Levy của Đại học Washington đặt ra vào năm 2011. Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng liên quan nhiều đến môi trường số, các chuyên gia sức khỏe tâm lý ngày càng quan tâm và muốn chia sẻ thêm những cách để chống lại hiện tượng trên.
Theo NY Times, một nghiên cứu từng chỉ ra rằng có tới 62,3% dân số toàn cầu sử dụng mạng xã hội, với thời gian sử dụng trung bình mỗi ngày là 2 giờ và 23 phút.
Theo báo cáo từ Đại học California (Mỹ), quãng thời gian tập trung trước màn hình của con người trước khi chuyển sang thứ khác đã giảm từ trung bình 2,5 phút (năm 2004) xuống 75 giây vào năm 2012 và tiếp tục thấp hơn, còn 47 giây tính đến thời điểm này.
Việc cuộn, duyệt nội dung quá mức từ các bài đăng, cảnh báo, tương tác và quảng cáo đã kích thích cơ thể tiết ra một lượng nhỏ dopamine (hoóc môn kiêm chất dẫn truyền thần kinh) có tác dụng “thưởng” cho não bộ và thúc đẩy chu trình này tái diễn, theo nhà tâm lý học Dannielle Haig.
“Theo thời gian, nhu cầu dành cho sự chú ý và chuyển đổi nhanh giữa các nhiệm vụ có thể dẫn đến cảm giác bồn chồn về tinh thần hoặc não bộ phải nhảy số liên tục, khi vật lộn nhằm duy trì sự tập trung vào một tác vụ bất kỳ trong thời gian dài”, bà Haig giải thích.
Vị chuyên gia cảnh báo hiện tượng “não bỏng ngô” có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các tương tác xã hội, sự kiên nhẫn, cảm xúc hạnh phúc, năng suất, đồng thời làm tăng sự lo lắng và nguy cơ kiệt sức.
Chuyên gia Daniel Glazer nói thêm: “Các ứng dụng phổ biến hiện nay xét về một số khía cạnh thì phù hợp với thói chú ý phân tán, kích thích chuyển đổi nhanh giữa các nội dung (được thiết kế để gây nghiện) để tối đa hóa sự tương tác từ người dùng. Sự kích thích kỹ thuật số liên tục đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động não bộ”.
Theo hai chuyên gia, có một số cách để xoa dịu tình trạng “não bỏng ngô”, như hạn chế sử dụng công nghệ vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày; tham gia hoạt động không màn hình, như tập thể dục, đọc sách, sáng tạo nghệ thuật; cố gắng tập trung vào một việc duy nhất, tránh xao lãng nhằm rèn luyện trí não; xóa bớt các ứng dụng để kiểm soát bản thân.
Theo New York Post