Các chiêu thức quảng bá thương hiệu luôn có khả năng giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng, nhưng không đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế. Quảng bá thương hiệu khiến ngân sách tăng lên đáng kể, bởi vậy, trước khi đầu tư làm quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp SMEs cần chú trọng tới những đầu việc dưới đây.
1. Đào tạo nhân viên một cách bài bản
Một thương hiệu không thể lan xa và một doanh nghiệp không thể lớn mạnh nếu bản thân các thành viên không ý thức được hết trách nhiệm của mình và tầm quan trọng của sự tồn tại doanh nghiệp. Đặc biệt, với một doanh nghiệp nhỏ, đào tạo nhân viên một cách bài bản, đồng bộ cũng tương tự như việc đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của thương hiệu.
Việc đầu tiên mà chủ doanh nghiệp nhỏ cần làm là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hệ niềm tin và bộ quy tắc, định hướng mọi hoạt động của các thành viên trong doanh nghiệp. Mỗi người đều phải nắm được quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ cảu mình trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Công cụ đắc lực hỗ trợ cho người đứng đầu thương hiệu chính là Brand Guidelines. Đây là bản hướng dẫn cụ thể quy định rõ về giá trị cốt lõi, định vị thương hiệu, khách hàng mục tiêu và việc sử dụng các yếu tố trong bộ nhận diện tham gia vào việc quảng bá thương hiệu. Từ đó, mỗi nhân viên sẽ hiểu họ cần đưa thương hiệu này tới đâu, chinh phục đối tượng khách hàng nào, copywriter sẽ biết mình phải viết bài với ngôn ngữ ra sao, desiger cần tuân thủ quy định thiết kế nào và nhân viên bán hàng phải giữ phong cách năng động hay lịch lãm khi đón tiếp khách hàng…
Với bước đầu tiên này, doanh nghiệp không chỉ đào tạo các nhân viên có đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc mà còn biến họ trở thành những đại sứ quảng bá thương hiệu thông qua việc gây dựng niềm tin và tự hào về sứ mệnh và sự phát triển của thương hiệu.
2. Đầu tư nghiêm túc vào bộ nhận diện thương hiệu
Ngay cả khi doanh nghiệp chưa dốc ngân sách chạy quảng cáo hay tổ chức các hoạt động, bản thân hệ thống nhận diện đã đóng vai trò một yếu tố quảng bá thương hiệu. Đây là cách giúp doanh nghiệp bạn trông có vẻ “to lớn” và chuyên nghiệp hơn so với thực tế, là cơ sở để khách hàng phân biệt thương hiệu bạn với đối thủ khác, ghi nhớ bạn trong tâm trí, khẳng định vị thế của thương hiệu trên thị trường và tăng cường sự tin tưởng của đối tác, khách hàng.
Bạn sẽ đạt được hiệu quả quảng bá thương hiệu thông qua một bộ nhận diện bao gồm đầy đủ các hạng mục chính như sau:
- Nhận diện cốt lõi (tên gọi, logo, slogan, brand guidelines)
- Nhận diện ấn phẩm văn phòng (danh thiếp, giấy tiêu đề, phong bì thư, hóa đơn, đồng phục…)
- Nhận diện văn phòng (backdrop quầy lễ tân, nội thất, tranh trang trí…)
- Nhận diện sản phẩm (bao bì, nhãn mác, kiểu dáng, dấu hiệu nhận biết trên bao gói…)
- Nhận diện tại điểm bán (biển hiệu, poster, banner, standee, POSM…)
- Nhận diện ấn phẩm Marketing (catalogue, profile công ty, tờ rơi, tờ gấp…)
- Nhận diện Internet (website, landing page, microsite, facebook fanpage, email marketing…)
- Nhận diện môi trường (biển hiệu, phương tiện vận tải, phương tiện thi công…)
3. Tập trung sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ
Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, “hữu xạ tự nhiên hương” là quan điểm marketing vấp phải nhiều thách thức và có tỷ lệ thành công rất thấp, nhưng để quảng bá thương hiệu hiệu quả, “hữu xạ” lại là điều kiện cần thiết. Việc tập trung vào sản xuất được đánh giá là có yếu tố tích cực cho thị trường bởi nó mang lại những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi việc tập trung vào hoàn thiện sản phẩm lại là cách để mang đến chất lượng cao nhất, nhiều công dụng và tính năng mới nhất. Các doanh nghiệp nhỏ muốn thành công, trước hết phải tập trung nguồn lực vào việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng hoàn hảo và không ngừng cải tiến chúng.
Khách hàng luôn có xu hướng mua sắm dựa trên những lợi ích mà họ thu nhận được từ sản phẩm hoặc dịch vụ. Khi thuyết phục thành công khách hàng chọn mua, sử dụng sản phẩm và quay trở lại vào lần sau, bạn có cơ hội được nhắc tên trong những câu chuyện của họ với những người quen khác. Đó là lúc khách hàng đóng vai trò là người PR cho thương hiệu của bạn, trong khi doanh nghiệp không phải chi thêm một khoản phí nào.
Lật lại vấn đề, nếu tên tuổi doanh nghiệp đã có vị thế nào đó trong tâm trí khách hàng nhưng lại khiến họ thất vọng ngay từ lần sử dụng sản phẩm đầu tiên, tiếng xấu về bạn có thể còn được lan truyền với tốc độ chóng mặt hơn. Đó là lý do vì sao đầu tư nghiên cứu nhu cầu khách hàng và tập trung hoàn thiện sản phẩm lại là điều mà doanh nghiệp nhỏ cần làm trước khi dốc ngân sách để quảng bá thương hiệu.
4. Cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của khách hàng
Trải nghiệm khi mua sắm là một trong những yếu tố để khách hàng cân nhắc có nên tiếp tục quay lại vào lần sau hay không. Đối với doanh nghiệp nhỏ, một trong những lợi thế lớn nhất khi kinh doanh là khả năng thuyết phục khách hàng tốt hơn những “ông lớn”, thông qua việc đáp ứng nhanh và phù hợp hơn các vấn đề của khách hàng. Với mức độ tập trung cao và quy trình làm việc đơn giản, các doanh nghiệp này dễ dàng kết nối với khách hàng và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm để khiến họ hài lòng hơn.
Có nhiều cách mà doanh nghiệp có thể áp dụng. Chẳng hạn, có thể đào tạo nhân viên bán hàng ứng xử phù hợp với một khách hàng cụ thể nếu họ đã đến cửa hàng bao nhiêu lần. Tìm hiểu xem họ đã mua những thứ gì, thường đặt câu hỏi về vấn đề nào để nắm được nhu cầu, sở thích của từng cá nhân, từ đó đưa ra tư vấn phù hợp nhất.
Hoặc, doanh nghiệp có thể tiến tới sử dụng CRM hoặc ERP để hỗ trợ thu thập dữ liệu, từ đó phân tích thói quen truy cập mạng xã hội, lịch sử tìm kiếm, lý do tìm đến website doanh nghiệp của khách hàng để định hình được đặc điểm mua sắm của họ, từ đó cá nhân hóa việc chăm sóc khách hàng để đảm bảo họ nhận được trợ giúp tối ưu nhất.
Ngoài ra, thay vì áp dụng các quy trình một cách cứng nhắc và những chính sách cố hữu đôi khi không cần thiết, bạn hoàn toàn có khả năng linh hoạt trong xử lý tình huống và điều chỉnh quy định một cách phù hợp để mang lại trải nghiệm mua sắm hiệu quả nhất cho khách hàng. Chính những điều đó là yếu tố giúp bạn tăng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Doanh nghiệp có thể tiến tới sử dụng CRM hoặc ERP để hỗ trợ thu thập dữ liệu, từ đó phân tích thói quen truy cập mạng xã hội, lịch sử tìm kiếm, lý do tìm đến website doanh nghiệp của khách hàng để định hình được đặc điểm mua sắm của họ, từ đó cá nhân hóa việc chăm sóc khách hàng để đảm bảo họ nhận được trợ giúp tối ưu nhất
5. Sáng tạo nội dung hấp dẫn và mang tính lan truyền
Chưa cần tới một ngân sách khủng để quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp đã có thể nắm trong tay cơ hội trở nên nổi tiếng nếu biết lên kế hoạch sáng tạo Content Marketing một cách hấp dẫn.
Nói cách khác, việc lên kế hoạch để biên tập các bài viết, sáng tạo hình ảnh, xây dựng kịch bản video… trên website, fanpage, mạng xã hội… cần phải đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, “chạm” đúng vào nhu cầu của người tiêu dùng và cho thấy lợi ích mà họ nhận được một cách mới mẻ, độc đáo, lôi cuốn.
Bạn chưa cần tạo ra được các nội dung viral, nhưng cách thực hiện để thõa mãn nhu cầu nội dung của khách hàng mục tiêu và tiến tới viral là cần thiết.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm “bỉm sữa” cho mẹ và bé có thể xây dựng các nội dung “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng mục tiêu như “10 Điều cấm kỵ cuối thai kỳ bà bầu phải biết” hay “Mẹ thông thái chia sẻ cách cho bé ăn dặm”.
Điều quan trọng là bạn phải có nhiều nội dung để sử dụng tương tác, hiện diện hàng ngày với khách hàng, giữ chân được khách hàng lâu hơn trên nền tảng của bạn.
Để tạo ra content marketing tốt bạn phải hiểu sâu sắc về khách hàng và tạo ra những thỏa mãn nhu cầu của họ, hướng tới mục tiêu marketing. Trong đó, những nội dung ấn tượng và hữu ích thực sự với họ chính là những nội dung có khả năng lan truyền cao, dễ được chia sẻ rộng rãi trên Internet. Chúng giúp truyền tải thông điệp cốt lõi tới đối tượng mục tiêu một cách thống nhất, chuyên nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi phí truyền thông nhờ sự cộng hưởng của các kênh Marketing.
Ngoài ra, trước khi quảng bá, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một website tốt, kết nối với hệ thống mạng xã hội để chuẩn bị đón những đợt khách lớn ghé thăm, tối ưu để tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Tóm lại, có nhiều vấn đề cần đề cập và thực hiện để tạo nền móng vững chắc cho doanh nghiệp trước khi đầu tư một khoản thật lớn nhưng chưa chắc đã đạt được hiệu quả quảng bá thương hiệu.